Chư hầu của Hậu Lương Vương_Dung

Sau khi tức vị, Hậu Lương Thái Tổ phong cho Vương Dung tước hiệu Triệu vương.[4] Hậu Lương Thái Tổ cũng cho Vương Dung thủ chức Thái sư.[16] Mặc dù Vũ Thuận và Nghĩa Vũ theo truyền thống từ thời trung Đường và hậu Đường nên từ chối nộp thuế cho triều đình Hậu Lương, song Vương Dung và Vương Xử Trực thường xuyên triều cống.[17]

Năm 910, Hà thị qua đời, Hậu Lương Thái Tổ đã phái sứ giả đến điếu và phục quan cho Vương Dung (sau thời gian để tang). Các tiết độ sứ lân cận cũng cử người đến điếu, trong đó có Tấn vương Lý Tồn Úc- người từ chối công nhận thẩm quyền của hoàng đế Hậu Lương. Khi sứ giả Hậu Lương tình cờ trông thấy sứ giả Tấn, ông ta đã sửng sốt. Sau khi trở về kinh thành của Hậu Lương, vị sứ giả này đã thông báo sự việc cho Hậu Lương Thái Tổ và trình bày nghi ngờ của mình rằng Vương Dung và Vương Xử Trực bí mật liên kết với Tấn. Do Nghiệp vương La Thiệu Uy mới qua đời, Hậu Lương Thái Tổ muốn nhân cơ hội này để đoạt quyền kiểm soát thực tế với Ngụy Bác, Vũ Thuận và Nghĩa Vũ.

Đến mùa đông năm 910, Yên vương Lưu Thủ Quang giả bộ tiến công Nghĩa Vũ, Hậu Lương Thái Tổ phái Đỗ Đình Ẩn (杜廷隱) và Đinh Diên Huy (丁延徽) đem quân Ngụy Bác tiến về phía bắc, đến Thâm châu (深州) và Ký châu (冀州)[chú 14] của Vũ Thuận, tuyên bố là đến giúp Vũ Thuận và Nghĩa Vũ chống lại cuộc tiến công của Lưu Thủ Quang. Bộ tướng của Vương Dung là Thạch Công Lập (石公立) khi đó đang trấn thủ Thâm châu, người này nghi ngờ về ý định của quân Hậu Lương nên đã đề xuất với Vương Dung rằng ông nên từ chối đề nghị giúp đỡ. Vương Dung không muốn tạo thêm bất kỳ tranh chấp nào giữa mình và Hậu Lương nên đã lệnh cho Thạch Công Lập rút quân khỏi Thâm châu. Tuy nhiên, ngay sau đó, Đỗ Đình Ẩn và Đinh Diên Huy đã tương ứng đoạt lấy Thâm châu và Ký châu, đồ sát toàn bộ binh sĩ Vũ Thuận còn ở lại, và bố trí phòng thủ để đợi Vương Cảnh Nhân đem đại quân Hậu Lương tiến đến. Vương Dung lệnh cho Thạch Công Lập tiến công quân Hậu Lương, song không thể nhanh chóng tái chiếm hai châu. Sau đó, Vương Dung cầu viện Lưu Thủ Quang (bị từ chối) và Lý Tồn Úc (được chấp thuận). Lý Tồn Úc lập tức tiến quân, khiển Chấn Vũ tiết độ sứ Chu Đức Uy đem quân tiến đến trước còn mình thì đi phía sau, tiến đến Trấn châu để cứu viện Vương Dung. Từ thời điểm này, Vũ Thuận (đổi lại tên thành Thành Đức) và Nghĩa Vũ ly khai Hậu Lương và khôi phục sử dụng niên hiệu "Thiên Hựu" của nhà Đường, và trên thực tế trở thành các thực thể hoàn toàn độc lập.[17]